Giai đoạn trẻ 5-6 tháng tuổi, đây là thời điểm có thể cho con ăn dặm, rất nhiều bậc cha mẹ lúng túng về cách cho trẻ ăn dặm như thế nào là đúng cách, làm thế nào để cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho trẻ . Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn đầy đủ về cho con ăn dặm. hãy cùng tìm hiểu nhé.
Cho trẻ ăn dặm như thế nào?
Để phát triển tốt, trẻ bắt đầu ăn dặm vẫn cần được tiếp tục bú sữa mẹ hàng ngày ít nhất 3-4 lần và ăn từ 2 bữa bột cháo/ngày rồi tăng dần lên 3-4 bữa bột/ngày khi gần 1 tuổi. Lưu ý là thực đơn cho trẻ 6 tháng tuổi, trẻ cần ăn dặm và phải được cho con ăn dặm đúng cách, đó là bột/cháo nấu với đủ 4 nhóm thực phẩm như sau:
Nhóm cung cấp bột đường: sử dụng gạo tẻ gạo tám mới, không nên trộn lẫn gạo nếp (gây đặc khó ăn) không nên trộn ý dĩ, hạt sen, đậu xanh dễ gây cảm giác chán khó ăn và chậm tiêu cho trẻ, với trẻ trên 1 tuổi nên đa dạng thực đơn ăn dặm để tránh làm trẻ biếng ăn do ăn cháo quá lâu: nên chế biến súp khoai tây thịt bò xay, bún, phở, bánh đa,… để trẻ hào hứng với bữa ăn dặm.
Nhóm cung cấp chất đạm: thịt nạc (lợn, gà), lòng đỏ trứng gà: là những thực phẩm giàu đạm dễ tiêu khuyến nghị dùng cho trẻ khi mới bắt đầu tập ăn dặm, sau đó cho trẻ ăn thịt bò, cá, tôm, cua (khi sang tháng tuổi thứ 7), trên 1 tuổi nên cho trẻ ăn cả quả trứng gà (cả lòng đỏ và lòng trắng). Với trẻ nhỏ không có vấn đề về cholesterol máu cao nên cho trẻ ăn trứng gà hằng ngày nếu trẻ thích ăn để tận dụng một nguồn cung cấp đạm động vật ngon bổ rẻ.
Nhóm cung cấp chất béo: trẻ cần ăn cả dầu thực vật và mỡ động vật (mỡ gà, mỡ lợn…), với tỷ lệ tốt nhất là 1:1 nên xen kẽ các bữa dầu và mỡ. Các loại dầu thực vật nên ăn đa dạng (đậu nành, mè, ôliu, dầu cá hồi…) riêng dầu gấc không nên ăn hàng ngày mà chỉ nên 1-2 lần/tuần để tránh vàng da do thừa tiền vitamin A.
Nhóm cung cấp chất xơ và vitamin: rau xanh và củ quả. Lưu ý đây là nhóm hầu như không cung cấp năng lượng nên không cho quá nhiều vào bữa bột cháo của trẻ gây thấp năng lượng khẩu phần khiến trẻ chậm lên cân: với trẻ bắt đầu ăn dặm nên cho 1 thìa rau, sau này tăng lên 2-3 thìa rau/1 bát bột cháo là đủ. Nếu trẻ táo bón có thể tăng cường thêm nhưng không nên quá nhiều. Ngược lại, với trẻ bị thừa cân béo phì rất nên bổ sung tăng cường nhóm này để hạn chế năng lượng.
Ăn dặm cũng cần đúng cách
Nguyên tắc cho con ăn dặm được các bác sĩ khuyến cáo là ăn từ lỏng tới đặc, từ ít tới nhiều để tập cho trẻ làm quen với các thức ăn mới và hệ tiêu hóa của trẻ dần dần thích nghi với chế độ tiêu hóa thức ăn. Cụ thể, theo tài liệu “Dinh dưỡng và vệ sinh an toàn thực phẩm” do Bộ môn Dinh dưỡng và an toàn thực phẩm, Trường Đại học Y Hà Nội xuất bản (NXB Y học – 2004), tháng đầu tiên bắt đầu ăn dặm, các bà mẹ nên bắt đầu cho trẻ ăn một bữa bột loãng sau đó đặc dần. Từ tháng thứ 7-8, mỗi ngày trẻ cần được ăn 2 bữa bột đặc, từ tháng thứ 9-12 là 3 bữa và chuyển thành 4 bữa sau khi bé tròn 1 tuổi.
Thức ăn của bé cần được chế biến sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh, tránh các rối loạn tiêu hoá. Các mẹ cũng nên đa dạng thực phẩm, thay đổi các loại thức ăn trong các bữa ăn hoặc các ngày, để ý chọn những loại thức ăn trẻ thích để khuyến khích trẻ ăn đủ bữa. Một lưu ý quan trọng là không cần cho thêm mắm muối, gia vị và chất tạo ngọt vào các bữa ăn dặm của trẻ. Từ trên 1 tuổi, mẹ có thể nêm thêm chút mắm, nhưng nên cho bé ăn càng nhạt càng tốt.
Cùng với cho ăn dặm, mẹ vẫn cần cho trẻ bú càng nhiều càng tốt để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của trẻ. Ngoài ra, khi bắt đầu ăn dặm, mẹ cần lưu ý cho trẻ được uống đủ nước đun sôi để nguội, nước hoa quả tươi và ăn thêm hoa quả để cung cấp đủ vitamin và chất xơ, đảm bảo quá trình tiêu hóa trong cơ thể bé được thuận lợi.
Trong một số trường hợp đặc biệt, mẹ có thể cho con ăn bổ sung từ giữa tháng thứ 4 khi thấy trẻ có những trường hợp sau: không tăng cân một cách bình thường mặc dù trẻ vẫn được bú mẹ đầy đủ; trẻ được bú mẹ thường xuyên nhưng vẫn tỏ ra đói ngay sau khi bú; mẹ có bệnh không cho con bú được.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét